Mách bạn 3 tư thế ngủ tốt nhất cho sức khỏe

Mách bạn 3 tư thế ngủ tốt nhất cho sức khỏe

18/05/2024

Giấc ngủ chiếm phần lớn thời gian trong suốt cuộc đời của con người. Ngoài thời gian ngủ mỗi ngày, tư thế nằm ngủ cũng đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ nói chung. Vì vậy, bạn cần phải điều chỉnh tư thế ngủ tốt và phù hợp với thể trạng cá nhân. Tư thế ngủ không đúng có thể dẫn đến đau mỏi cổ, đau lưng và dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết được những tư thế ngủ tốt nhất cho sức khỏe nhé.

1. Nằm nghiêng: Xu hướng và lợi ích

Các thống kê cho thấy rằng có hơn 60% số người ưa thích nằm nghiêng khi ngủ. Đến tuổi trưởng thành, sở thích nằm nghiêng khi ngủ càng thể hiện rõ rệt. Thời gian ở tư thế nằm nghiêng tăng lên theo độ tuổi: Tuổi càng cao người ta có khuynh hướng ngủ ở tư thế nằm nghiêng và ít nằm ở tư thế ngửa hơn. Hay nói cách khác, khi còn nhỏ, chúng ta chia nhỏ giấc ngủ của mình bằng cách ngủ ở tất cả các tư thế, nhưng khi trưởng thành, sở thích ngủ nghiêng xuất hiện nhiều hơn. Độ linh hoạt của cột sống giảm khi chúng ta già đi, điều này có thể khiến tư thế ngủ nghiêng thoải mái hơn đối với người lớn tuổi.

 Ngủ nghiêng tốt cho sức khỏe. Ảnh sưu tầm
Ngủ nghiêng tốt cho sức khỏe. Ảnh sưu tầm

Ngủ nghiêng mang lại một số lợi ích. Nó thúc đẩy sự liên kết cột sống khỏe mạnh và là tư thế ngủ ít có nguy cơ gây đau lưng nhất, đặc biệt là khi được hỗ trợ bằng gối.

Tư thế ngủ tốt nhất cho bệnh đau cột sống thắt lưng là nằm nghiêng với gối hoặc chăn lót giữa hai đầu gối. Ngủ nghiêng cũng có thể làm giảm các triệu chứng đối với những người bị đau cổ. Đặc biệt, nằm nghiêng còn tốt cho tình trạng đau lưng ở những người cao tuổi, người thừa cân béo phìbị ngáy khi ngủ và phụ nữ có thai.

Tuy nhiên, tư thế nằm nghiêng không được khuyến khích cho những người bị đau vai, người lo lắng về nếp nhăn da mặt. Ngủ nghiêng có thể dẫn đến đau hoặc căng ở vai của bạn, vì vậy, thỉnh thoảng bạn nên thay đổi tư thế và sử dụng gối và nệm thích hợp nhất. Đảm bảo nệm của bạn có đủ “độ cao” để cho phép hông và vai của bạn ở vị trí thấp hơn cột sống của bạn. Ngủ nghiêng cũng có thể góp phần gây ra các nếp nhăn trên khuôn mặt, vì mặt bạn áp vào gối, kéo căng và đè ép lên da.

Ngủ nghiêng cũng có thể làm giảm chứng ợ nóng và ngáy, nên đây là tư thế ngủ tốt hơn cho những người bị chứng ngưng thở khi ngủ hoặc trào ngược axit.

2. Nằm sấp

Nếu phải xếp hạng các tư thế ngủ tốt, thì nằm sấp nhiều khả năng sẽ nằm cuối danh sách. Là tư thế phù hợp cho người ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ, nhưng ngoài ra nằm sấp không còn lợi ích nào khác.

Thực tế, nằm sấp có thể vừa gây đau cổ, vừa làm đau lưng. Đây cũng là tư thế nằm ngủ tạo thêm rất nhiều áp lực không cần thiết cho cơ và khớp, khiến bạn thấy đau và mệt mỏi khi thức dậy.

Nếu vẫn muốn nằm sấp khi ngủ, hãy thử dùng một chiếc gối kê đầu mỏng, hoặc không cần dùng gối, để giảm áp lực trên cổ. Bạn cũng có thể lót một chiếc gối dưới vùng bụng – xương chậu để giảm đau lưng dưới.

 Tư thế ngủ sấp. Ảnh sưu tầm
Tư thế ngủ sấp. Ảnh sưu tầm

3. Nằm ngửa

Nằm ngửa là tư thế ngủ tốt, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Kiểu ngủ này không chỉ bảo vệ cột sống, mà còn giúp giảm đau hông và đầu gối.

Tư thế nằm ngửa. Ảnh sưu tầm
Tư thế nằm ngửa. Ảnh sưu tầm

Nằm ngửa khi ngủ dùng trọng lực để giữ cho cơ thể thẳng hàng với cột sống, nhờ đó giảm áp lực không cần thiết lên lưng hoặc khớp. Đặt một chiếc gối phía dưới đầu gối cũng có thể hỗ trợ đường cong tự nhiên của lưng.

Hơn thế nữa, nằm ngửa khi ngủ cũng giữ cho làn da của bạn luôn tươi trẻ, nhờ được bảo vệ tránh khỏi nếp nhăn do tác động của gối hoặc trọng lực.

Mặt khác, nằm ngủ ngửa có thể không thích hợp cho người ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ, cũng như những ai đang chịu đựng chứng đau lưng. Đây là lý do tại sao mỗi tư thế nằm ngủ sẽ thích hợp cho từng đối tượng khác nhau.

Lời khuyên khi nằm ngửa ngủ là kê một chiếc gối dưới đầu gối để bớt đau lưng và giảm áp lực lên cột sống. Nếu bạn bị tắc nghẽn đường thở, có thể lót thêm một chiếc gối phụ để dễ thở hơn.

Ngoài ra, nên thử ghi lại nhật ký giấc ngủ trong 1 – 2 tuần. Bạn có thể theo dõi thói quen và chất lượng giấc ngủ của mình, từ đó có cái nhìn rõ hơn về lời khuyên nào sẽ phù hợp với bản thân.

Nhìn chung, bạn không phải thay đổi tư thế dễ ngủ quen thuộc nếu không gặp vấn đề gì bất thường. Hãy làm những gì khiến bản thân cảm thấy thoải mái nhất. Điều quan trọng là đảm bảo được nghỉ ngơi trọn vẹn sau một đêm ngon giấc và sẵn sàng năng lượng bắt đầu ngày mới.

Tóm lại, các ảnh hưởng của giấc ngủ đối với sức khỏe và tinh thần đã quá rõ ràng. Tư thế nằm ngủ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giấc ngủ mà còn phản ánh tình trạng sức khoẻ của cơ thể. Giấc ngủ tốt không chỉ cần tư thế ngủ tốt mà còn cần đến nhiều yếu tố khác đi kèm.

Hãy tham khảo thêm 1 số bài viết làm sao để có một giấc ngủ ngon dưới đây 

IMG 6186

Tác giả Nguyễn Quỳnh Anh

Tôi là Nguyễn Quỳnh Anh chuyên gia biên tập nội dung với kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về truyền thông đa phương tiện, content maketing nhiều lĩnh vực khác nhau: cây giống, làm đẹp, nội thất… hy vọng những thông tin chia sẻ của mình sẽ giúp bạn có được những kiển thức hữu ích và chọn được những sản phẩm phù hợp với nhu cầu.